Nói đến cá lóc đồng, ngoài các món ăn ngon truyền thống như: nướng trui, kho ngót… còn có một món mới nhưng dân dã mà các “đấng mày râu” ưa thích, đó là: Cá lóc đồng rang muối.
Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, đất đai màu mỡ phì nhiêu, con cá lóc đồng là loại cá ngon có tiếng, hầu như được các bà nội trợ khéo tay quanh năm “chấm đến” trong việc chế biến món ăn.
Nói đến cá lóc đồng rang muối, tôi lại nhớ về bác Hai tôi người thích lai rai và tự tay mình chế biến món ăn. Mỗi khi bắt được con cá, con rắn nào ngon, sau khi đã chế biến xong, thế nào bác cũng sai tôi xách “ve” đi mua về cho bác vài xị rượu trắng để “nhâm nhi” cho đỡ buồn.
Lúc bấy giờ, tôi nhỏ tuổi nên không uống được rượu. Nhưng để “thưởng công”, bác thường kéo tôi ngồi cạnh, rồi cẩn thận giẽ cá, gắp vào bát cho tôi vài miếng thịt cá ăn cùng cho vui. Một hôm, vào chủ nhật cuối tuần, tôi ngạc nhiên thấy bác cầm con lá lóc lớn trên tay. Thấy thích mắt quá, tôi lẽo đẽo theo sau bác xuống bếp để xem làm cá. Bác ngoảnh lại nhìn tôi rồi tươi cười nói: “Hôm nay bác cháu ta sẽ chế biến món mới, đó là: cá lóc đồng rang muối.”
Vừa nói, bác vừa lấy chày đâm tiêu đập đầu cho cá chết rồi cho vào thau rửa với nước giấm. Bác bảo phải là nước giấm hoặc nước cốt chanh, cá mới sạch nhớt và bớt mùi tanh, khỏi đánh vảy và móc bỏ ruột. Rồi bác ra sau vườn hái trái khóm chín, cắt vài tép sả, lấy xe đạp ra chợ làng mua thêm chút mắm nêm, bánh tráng nhúng, đường, bột ngọt đem về.
Kế đến, với động tác nhanh gọn, bác lấy chảo treo trên vách xuống, đập giập sả lót dưới đáy chảo, cho muối hột vào, bắc lên bếp đun với ngọn lửa liu riu. Khi bắt đầu nghe tiếng nổ lách tách của muối, bác mới cho cá lóc vào và phủ thêm lên trên cá một ít sả đập giập nữa cho dậy mùi thơm, đậy nắp lại cho đến khi muối hột trong chảo ngưng nổ là chín.
Quả là “danh bất hư truyền”, một mùi thơm ngon hấp dẫn tỏa ra khi bác tôi vừa mở nắp chảo, rồi gắp cá ra dĩa, dùng dao tách bỏ phần da cá, rưới một ít mỡ hành lên thịt cá cho có hương vị đậm đà và bên cạnh bày chén nước chấm.
Bày biện xong bác quay lại bảo, nước chấm là phần quan trọng định đoạt chất lượng món ăn. Nói thế có nghĩa là cần phải có những bí quyết riêng trong việc pha chế để món ăn được ngon miệng, hấp dẫn. Các nguyên liệu chính cần có cho món nước chấm như: khóm cùng ớt, tỏi bằm nhuyễn, hòa cùng với đường cát trắng, mắm nêm theo một tỉ lệ nhất định quậy đều, múc ra dĩa và chuẩn bị thêm dĩa bún, dĩa bánh tráng, dĩa rau sống nữa.
Thật hạnh phúc, trong những ngày nghỉ cuối tuần, hai bác cháu tôi lại cùng cả nhà quây quần để thưởng thức món cá lóc đồng rang muối thơm ngon và hấp dẫn do chính tay bác chế biến. Đặt miếng bánh tráng nhúng trong lòng bàn tay, dùng đũa giẽ miếng thịt cá lóc cặp cùng miếng bún, miếng rau sống cuốn lại chấm vào chén mắm nêm đưa lên miệng nhai châm rãi. Vị ngọt của cá, mùi cay, thơm của rau, của mắm nêm như lan tỏa khắp giác quan. Thêm một “cốc đế” vào để trung hòa độ đạm, khiến ngày nghỉ cuối tuần thật khó quên!…
Ở Đà Nẵng ghiền món này xin ghé qua Nhà hàng Tài tử có món: Cá lóc đồng Ủ muối này – Cá tự nhiên ở rừng U Minh Hạ Ủ muối Bạc Liêu. Ăn với rau sống, chuối chát, bún tươi, bánh tráng…
Đờn ca tài tử – Ẩm thực Nam Bộ duy nhất tại Đà Nẵng taitu.com.vn
Đặt món: taitu.com.vn/dat-mon/
#danang #beach #TwitterX #food #travel